Trong 3 năm qua, mặc dù kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, nhưng huyện Đức Linh đã chủ động khắc phục, huy động mọi nguồn lực, tập trung cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã và đang hình thành, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.
Thông qua các chương trình phát triển sản xuất, các mô hình trình diễn phần nào đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo được sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với người sản xuất, tạo sự ổn định đầu ra cho sản phẩm, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nười dân, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hạn chế chưa thể phát triển sản xuất một cách toàn diện, mới chỉ ở mức độ mô hình, chưa được nhân rộng trên địa bàn huyện. Để chương trình phát triển sản xuất được tổ chức rộng rãi trên địa bàn huyện, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sự liên kết theo mô hình “4 nhà” cần có sự đầu tư hỗ trợ lâu dài của các ngành, các cấp và nhất là kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn. Kiến nghị Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh nghiên cứu hàng năm hỗ trợ vốn phát triển sản xuất cho tất cả các xã trên địa bàn huyện.
Đề án phát triển sản xuất: trong 3 năm đã xây dựng và triển khai 7 đề án phát triển sản xuất, bao gồm Đề án phát triển sản xuất xã Mé Pu, Sùng Nhơn, Đề án phát triển cây tiêu ghép, Đề án cánh đồng mẫu trên cây lúa, Đề án nuôi cá thát lát cườm, mô hình liên kết 4 nhà. Đào tạo nghề nông thôn: qua 3 năm thực hiện, đã tổ chức 102 lớp đào tạo nghề cho 2.760 lao động nông thôn tham gia, với kinh phí 5,522 tỷ đồng. Mô hình phát triển sản xuất đã triển khai trong thời gian qua đạt hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội như mô hình lúa xác nhận, mô hình chăn nuôi gà, mô hình liên kiết “4 nhà” trên cây lúa, bắp…Tổng kinh phí đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn 10,687 tỷ đồng.
Về xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu: tổng vốn huy động đã thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng là 371,277 tỷ đồng; trong đó, giao thông 98,384 tỷ đồng, thủy lợi 26,415 tỷ đồng, điện 7,494 tỷ đồng, trường học 21,174 tỷ đồng, cơ sở vật chất văn hóa trên 5 tỷ đồng, nhà ở dân cư 210,927 tỷ đồng, y tế 1,882 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn được quan tâm, tập trung ở các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi và trường học.
Về phát triển giáo dục, đến nay 11/11 xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 8,54%. Về y tế, tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 57%, hiện có 11/11 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia ngành y tế (theo tiêu chí cũ). Về văn hóa xã, có từ 70% số thôn trở lên đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 4/11 xã đạt. Về môi trường, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia 88%, có 8/11 xã có hoạt động thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, 2/11 xã quy hoạch và xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang.
Về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, đã tập chung chỉ đạo các xã triển khai thực hiện việc cũng cố hệ thống chính trị xã hội, nâng cao hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể; sắp xếp, đào tạo cán bộ xã, giải quyết nghỉ việc đối với cán bộ, công chức không đủ chuẩn theo quy định; đồng thời quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức xã tham dự các lớp bồi dưỡng về Quản lý nhà nước, đào tạo về chính trị, chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp xã so với trước đây. Đến nay, 100% cán bộ xã đạt chuẩn theo quy định theo Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV, ngày 16/01/2004 của Bộ Nội vụ; có 100% tổ chức chính trị trong hệ thống chính trị ở cơ sở đạt theo quy định; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã đều đạt danh hiệu tiên tiến trở lên. Đến cuối năm 2012 có 5/11 xã đạt tiêu chí này.
Về an ninh trật tự xã hội, để triển khai thực hiện đạt tiêu chí số 19 về an ninh trật tự xã hội, Công an huyện Đức Linh đã triển khai phát động phong trào thi đua trên toàn huyện, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đến năm 2020 và kế hoạch làm điểm (Vũ Hòa, Đức Hạnh) thực hiện tiêu chí số 19. Ngoài ra, 11/11 xã đã xây dựng và triển khai đạt kết quả mô hình ánh sáng an ninh. Do vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn nông thôn cơ bản được giữ vững, ổn định. Đến nay, có 8 xã đạt tiêu chí này.
Kết quả tổng hợp thực hiện theo Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM: căn cứ Quyết định 491/QĐ-TTg, ngày 16/4/2009 về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, Quyết định 342/QĐ-TTg, ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Trong quý I/2013 rà soát, đánh giá, thống nhất mức độ đạt chuẩn của bộ tiêu chí đến cuối năm 2012 của 11 xã, kết quả bình quân chung toàn huyện đạt 6,6 tiêu chí/xã, tăng bình quân 3 tiêu chí/xã so với năm 2011 và tăng bình quân 4 tiêu chí so với khảo sát ban đầu. Ước thực hiện đến cuối năm 2013, bình quân chung mỗi xã đạt 12 tiêu chí.
Để đạt được kết quả như vậy, trước hết công tác chỉ đạo, điều hành của Huyện ủy, UBND huyện được tăng cường, công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc được thường xuyên hơn nên kết quả có nhiều chuyển biến so với trước đây, đã hình thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã được cải thiện, tăng so với đánh giá ban đầu. Bộ máy quản lý điều hành từ huyện đến xã, thôn đã được thành lập đầy đủ theo quy định và được kiện toàn thường xuyên. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, tạo được sự chuyển tích cực trong nhận thức từ trong cán bộ đến tận quần chúng nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến, số thôn văn hóa tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhà tạm, dột nát một số xã cơ bản không còn. Tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các nguồn vốn đầu tư cho các xã được tăng hơn, các chương trình phát triển sản xuất được chỉ đạo, thực hiện đạt hiệu quả và ngày càng nhân rộng. Góp phần thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Húy, Phó chủ tịch UBND huyện thì cái khó hiện nay là các xã trong nhóm phải hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015 gặp hết sức khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng đường giao thông, hệ thống thủy lợi và các thiết chế văn hóa. Vì vậy, huyện đã kiến nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ để giúp các xã này sớm hoàn thành các tiêu chí nêu trên để hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2015.
TCT