Dự lễ có đồng chí Huỳnh Tấn Pháp - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Trần Mậu Mầu - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các Mẹ Việt Nam Anh hùng; các đồng chí nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể; cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân, các gia đình bám trụ vùng giải phóng, con em xã Mê Pu đang làm ăn sinh sống ở các tỉnh, thành.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Văn Khanh - Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Mê Pu đã ôn lại lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất này và ý nghĩa của ngày giải phóng xã. Ngày 17/3/1960, chế độ Ngô Đình Diệm đưa dân từ vùng Quảng Nam, Quảng Trị vào vùng đất Thuận Đức (nay là xã Mê Pu) để lập dinh điền. Đợt 1 ngày 17/3/1960, đưa 300 hộ/1.900 nhân khẩu; đợt 2 ngày 10/5/1960, đưa 100 hộ/500 nhân khẩu; đưa đồng bào dân tộc K’Ho tập trung về buôn Cây Dừa (Tà Pứa), buộc mọi người đủ 16 tuổi phải làm căn cước, và quản lý hộ tịch, hộ khẩu một cách khắt khe. Chế độ Ngô Đình Diệm xem Thuận Đức là địa bàn quan trọng, nên xây dựng, củng cố bộ máy tề ngụy thôn, xã, thực hiện kiểm tra gắt gao những gia đình có liên quan với cách mạng. Nhưng với ý chí và truyền thống của nhân dân miềm Trung một lòng, một dạ theo Đảng làm cách mạng, đã bí mật xây dựng cơ sở, bắt nối liên lạc với cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Huyện ủy Hoài Đức, nên đội công tác Thuận Đức nhanh chóng lớn mạnh.
Tháng 10/1964, Khu ủy Quân khu VI quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đánh bại quốc sách ấp chiến lược của Mỹ - Ngụy; xã Thuận Đức cũng được Quân khu chọn làm điểm mở màng đợt tiến công. Theo đó, vào đêm ngày 10/11/1964, Trung đội 3 của Đại đội 2 Tiểu đoàn 186 phối hợp với đội công tác bí mật địa phương tập kích vào trung tâm xã, đánh tan một trung đội dân vệ, làm tan rã bọn tề xã, ấp. Đến rạng sáng ngày 11/11/1964, quân ta làm chủ hoàn toàn Thuận Đức. Đến đầu tháng 01/1965, nhằm giành dân tạo thế không chế ta ở các địa bàn xung quanh, địch đã sử dụng đại đội Bảo an cơ động 515; 4 Trung đội dân vệ, 1 đoàn bình định tâm lý chiến do Quận trưởng Lê Thanh Liêm và Cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy, vị trí địch chọn để đánh chiếm đầu tiên của xã Thuận Đức là xóm 10 nhà. Nắm được âm mưu, kế hoạch của địch, tiểu đoàn 186 phối hợp chặt chẽ với lực lượng du kích tại chổ, ta đã chốt chặn các vị trí trọng điểm và tấn công quyết liệt, trận càn này quân Mỹ - ngụy thất bại thảm hại, ta đã tiêu diệt 101 tên địch, trong đó có 02 Cố vấn Mỹ.
Sau khi nước nhà được thống nhất (30/4/1975), năm 1976 Mê Pu tổ chức hình thành 16 tập đoàn sản xuất. Ngày 17/3/1977, Mê Pu thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, đây là Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh (Thuận Hải cũ) vinh dự được đồng chí Tố Hữu - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Ngọc Triều - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện đến thăm, động viên cổ vũ. Năm 1985 Hợp tác xã nông nghiệp Mê Pu được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; năm 1994, xã Mê Pu được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, Mê Pu đang tập trung toàn lực để thực hiện hoàn thành bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Mậu Mầu - Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao những thành quả mà nhân đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mê Pu đã đạt được trong 50 năm qua. Từ một địa phương bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nay Mê Pu đã được hồi sinh, vươn mình trỗi dậy, bộ mặt nông thôn ngày càng được khởi sắc, điện - đường- trường- trạm được xây dựng khang trang và hiện nay xã Mê Pu phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí, để cuối năm 2014 được công nhận là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí yêu cầu Mê Pu tiếp tục chủ động vươn lên, vừa phát huy nội lực, vừa phối hợp với các ngành của huyện, địa phương khác để đóng góp nhiều hơn, xứng đáng hơn nữa của một địa phương là Trung tâm cụm xã miền núi./.