Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe triển khai kế hoạch lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này bao gồm 443 điều, tăng 99 điều so với Bộ luật Hình sự hiện hành, trong đó có 68 điều được bổ sung mới.
Nội dung lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; về hình phạt trục xuất; việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh củ thể trong các lĩnh vực kinh tế; việc bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng; việc bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.
Việc lấy ý đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức và các tâng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đối với việc sửa đổi và thực hiện Bộ luật Hình sự. Việc lấy ý kiến đối sẽ thông qua các hình thức như: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản, tổ chức hội nghị lấy ý kiến, góp ý kiến thông qua cổng thông tin điện tử của huyện và các hình thức phù hợp khác.
Theo kế hoạch, thời gian lấy ý kiến góp ý sẽ diễn ra trong tháng 8/2015./.